ĂN CHAY TỐT HƠN ĂN THỊT

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 15793)

  ĂN CHAY TỐT HƠN ĂN THỊT

     -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

-Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ,
     Soạn Giả Sách  " SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC,
                                Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "

     (xuất bản 02/2009, & tái bản 08/2010)

                                                    

      Hiện nay, càng ngày càng có nhiều bằng chứng gia tăng về sự ảnh hưởng của việc ăn uống, đối với sức khỏe và tuổi thọ của con người. Cho nên, càng có nhiều người đang tìm hiểu về câu hỏi: -Giữa ăn chay và ăn thịt, món ăn nào thích hợp, và tốt hơn cho sức khỏe con người?

      Trong việc tìm hiểu để có những câu trả lời thích đáng, người ta nhận thấy có những sự việc cần được quan tâm đến như sau: -Sự cấu trúc thân thể con người, -Sự ảnh hưởng của việc tiêu hóa thịt, -Những chất hóa học nguy hiểm trong thịt, -Những mầm bệnh chứng trong thịt, -Bệnh tim mạch, -Bệnh ung thư.

1-SỰ CẤU TRÚC THÂN THỂ CON NGƯỜI:

      Từ lúc sơ khai, con người đã biết dùng hai tay, miệng, và răng để ăn uống. Răng của con người, giống như răng của những sinh động vật ăn cỏ, được tạo hóa phác họa dùng để nghiền và nhai những thảo mộc. Con người không có răng nanh bén nhọn, để cắt xé thịt, mà đặc tính nầy có từ sinh động vật ăn thịt. Những sinh động vật ăn thịt, thường, chỉ nuốt, mà không có nhai những thực phẩm của chúng. Vì vậy, chúng không cần có những răng hàm, hay quai hàm để di động qua lại hai bên như con người.

      Cũng như, bàn tay của con người không có móng vuốt (hình cong) bén nhọn như loài ăn thịt, và ngón tay cái của con người có thể di động đối diện trước lòng bàn tay. Bởi vì, tạo hóa muốn con người có khuynh hướng dùng đôi bàn tay, để thích nghi vào việc gặt hái trái cây, và thảo mộc, hơn là việc giết chết những con mồi.

2-SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC TIÊU HÓA THỊT:

      Khi thịt được ăn vào trong bao tử và thịt muốn được tiêu hóa; bao tử cần phải tiết ra chất nước tiêu hóa (dịch vị), có chứa cao độ Hydrochloric Acid, để làm biến thể thịt trở thành chất nuôi dưỡng “dưỡng trấp” (chyle) cơ thể. Bao tử của con người, và loài sinh động vật ăn cỏ có thể sản xuất ra lượng Hydrochloric Acid, với độ mạnh tỷ lệ kém hơn 1/20 lần, sánh với bao tử của loài ăn thịt.

      Ngoài ra, sự khác biệt chủ yếu, giữa người ăn thịt và người ăn chay, được tìm thấy qua vùng bao tử và đường ruột. Nơi đó, để được tiêu hóa, thực phẩm thịt cần phải có thời gian lâu dài hơn thực phẩm chay; rồi sau đó, chất dinh dưỡng mới được đưa vào trong đường máu.

    Thật ra, một miếng thịt được ăn vào trong bao tử con người, nó chỉ là một phần xác chết của con vật, và sự thối rữa của nó tạo ra vật phế thải độc hại nằm trong cơ thể con người. Vì vậy, thịt sau khi ăn cần phải được loại bỏ nhanh chóng ra ngoài cơ thể. Do mục đích nầy, loài sinh động vật ăn thịt có riêng ống chứa đồ ăn, với chiều dài gấp ba lần chiều dài thân thể của chúng. Trong khi con người, giống như các động vật ăn cỏ, có ống chứa đồ ăn với chiều dài gấp mười hai (12) lần chiều dài thân thể.

     Do đó, tình trạng thối rữa của thịt được giữ lại trong con người lâu dài hơn loài ăn thịt. Cho nên, việc sinh ra một số ảnh hưởng độc hại không thể tránh được. Một trong những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bất lợi trước nhất là thận. Bộ phận quan yếu nầy hấp thụ chất bã từ máu; cho nên, việc làm của thận trở nên căng thẳng trì trệ, vì chứa quá nhiều chất độc do việc tiêu hóa thịt. Ngay như người ăn thịt điều độ, thận của họ cần phải làm việc gấp ba (3) lần đối với thận của người ăn chay. Thận của người trẻ tuổi có thể chịu đựng được sự căng thẳng này, nhưng thận của người cao niên càng ngày càng bị suy yếu, rồi dẫn đến chứng nguy hiểm cho thận.

3-CHẤT HÓA HỌC NGUY HIỂM TRONG THỊT:

      Có nhiều chất hóa học nguy hiểm được tích lũy trong thịt, mà người tiêu thụ thường không biết đến. Trong tác phẩm “Poisons in Your Body”, hai tác giả Gary và Steven Null cho chúng ta hiểu biết về những mánh lới bên trong những công ty hợp doanh thú vật như sau:

      “-Những thú vật sống được nuôi dưỡng béo mập, do bởi cách chăm sóc liên tục của nhiều liều lượng thuốc hóa học như: các loại thuốc an thần (tranquilizers), các kích thích tố tăng trưởng (growth hormones hay stimulants), các loại thuốc kháng sinh (antibiotics), và hơn hai ngàn bảy trăm (2,700.) loại thuốc khác.” Hai ông còn tiếp: “-Tiến trình nuôi bằng các chất thuốc hóa học được bắt đầu, ngay khi con thú còn trong bào thai, và tiếp tục kéo dài cho đến khi con thú chết. Mặc dù, những chất thuốc hóa học nầy vẫn còn chứa trong miếng thịt khi người ta ăn, nhưng luật pháp không bắt buộc liệt kê những chất hóa học nầy trên gói thực phẩm thịt.”

      Một trong những chất hóa học nguy hiểm nầy là chất Dietthylstilbestrol (DES), một loại kích thích tố tăng trưởng (a growth hormone) đã được dùng tại Hoa kỳ, hơn 20 năm qua. Mặc dù nhiều nghiên cứu đã cho biết chất kích thích tố (DES) là chất sinh ra ung thư (carcinogen), và bị nghiêm cấm tại 32 quốc gia trên thế giới, nhưng nó vẫn được sử dụng bởi kỹ nghệ thịt Hoa Kỳ. Có lẽ, vì cơ quan nông nghiệp Hoa Kỳ (FDA) nhận thấy việc nầy có thể tiết kiệm cho các nhà sản xuất thịt, một ước tính hơn năm trăm triệu Mỹ kim (US.$500 Millions) hàng năm.

     Còn một chất kích thích tăng trưởng phổ thông khác là chất Arsen. Vào 1972, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (US. Department of Agriculture) đã tìm thấy chất độc nầy được dùng quá mức độ luật pháp giới hạn, trong mười lăm phần trăm (15%) tổng số gia cầm quốc gia (Theo Wall Street Journal, Jan. 13, 1972; “Arsenic in Chicken Liver to be reviewed by Agency”).

     Ngoài ra, hai chất Sodium Nitrate và Sodium Nitrite là chất hóa học được dùng như chất phòng phân hủy, để làm chậm lại sự thối rữa trong thịt ướp muối, và các sản phẩm thịt như: Thịt heo muối, hay xông khói (như Ham, Bacon), các loại súc-xích (Salami của Ý, Frankfurters của Đức), và các loại cá muối mặn, . . . đều gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Những chất hóa học nầy phản ứng như chất nhuộm trong máu và cơ bắp, tạo cho thịt được phủ bằng màu sắc đỏ tươi. Nếu không có những chất nhuộm nầy, màu xám tự nhiên của thịt chết sẽ xuất hiện, và không hấp dẫn được người tiêu thụ.

     Hơn nữa, những chất hóa học nầy khiến cho người ta không phân biệt được máu của xác chết và máu của người sống. Cho nên, nhiều trường hợp đáng tiếc đã khiến cho nhiều người bị chết trúng độc, vì họ không biết, và đã dùng các sản phẩm chứa quá nhiều những chất hóa học nguy hiểm nầy. Ngay như một lượng nhỏ hơn cũng có thể gây nguy hiểm, nhất là đối với trẻ con thiếu nhi. Vì vậy, Liên Ủy Ban FAO / WHO Kiểm soát thực phẩm của Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh rằng        “-Chất Nitrate không được dùng cho thực phẩm trẻ con” Ngoài ra, ông A.J.Lehman thuộc FDA,Hoa Kỳ cũng quan tâm: “-Chỉ có một giới hạn an toàn rất nhỏ trong việc dùng chất Nitrate, vì nó sẽ gây nguy hiểm cho người ta.”

     Trong kỹ nghệ nuôi thú vật, một số lượng quá lớn động vật phải chịu nhiều áp lực bởi những điều kiện bẩn thỉu. Cho nên, số lượng to lớn chất kháng sinh (Antibiotics) cần phải được sử dụng đến. Vì thế, những vi khuẩn đề kháng chống lại chất kháng sinh (Antibiotic-Resistant Bacteria) đương nhiên được sinh ra trong những thú vật nầy. Sau đó, chúng được truyền nhiễm qua con người bởi việc ăn thịt. Theo sự lượng giá của cơ quan FDA / Hoa Kỳ, việc dùng các thuốc kháng sinh Penicillin và Tetracycline đã giúp cho các kỹ nghệ thịt tiết kiệm vào khoảng 1.9 tỷ Mỹ kim hàng năm. Việc nầy cũng là bằng chứng báo động cho người ta nhận thấy việc ăn thịt đang ngầm chứa mối nguy hiểm cho sức khỏe con người.

     Trong việc giết mổ thịt, những đau đớn, và sức vùng vẫy mãnh liệt của con vật bị chấn thương, cũng đưa vào thịt những chất kích thích mãnh liệt (powerful stimulants), còn gọi là chất độc chống sự đau đớn (pain poisons là những chất kích thích tố đề kháng đau đớn). Những chất nầy phối hợp với những phế chất, không được loại bỏ, còn đang trong máu của con vật như chất Urea và Uric Acid.  Tất cả những chất nầy sẽ làm ô nhiễm thịt con vật, mà người ăn thịt sẽ dùng đến.

4-NHỮNG BỆNH  CHỨNG  TRONG  THỊT:

     Ngoài những chất hóa học nguy hiểm, thịt còn mang những vi trùng bệnh chứng của chính con vật. Do bởi cách nuôi thú của kỹ nghệ cung cấp thịt, với số đông chen chúc những con vật, trong những điều kiện bẩn thỉu, đã sinh ra nhiều loại bệnh chứng khác nhau cho con vật.

    Về mặt kiểm tra thịt, mặc dù những vị kiểm tra cố gắng loại bỏ những phần thịt xấu không chấp nhận được, nhưng vì những áp lực từ kỹ nghệ thịt, và việc không đủ thời gian kiểm tra, đã khiến sự lành mạnh của thịt không được hoàn toàn bảo đảm, khi đến tay người tiêu thụ.

     Theo báo cáo 1972 của USDA, những xác thịt động vật được kiểm tra, sau khi loại bỏ phần thịt có bệnh của chúng. Người ta nhận thấy gần một trăm ngàn (100,000.) con bò ung thư mắt, và khoảng 3,596, 302. trường hợp ung nhọt nơi gan. Ngoài ra, kỹ nghệ thịt còn cho bán ra những con gà bệnh viêm phổi, sau khi làm sạch, và loại bỏ những chất nhờn mủ trong lồng ngực của chúng.

      Với thẩm quyền kiểm soát của chính quyền liên bang, Văn Phòng The U.S. General Accounting Office đã có lần đưa cơ quan Nông Nghiệp Hoa Kỳ ra tòa, về việc khiếm khuyết sửa sai những vi phạm của các nhà kỹ nghệ thịt. Thí dụ như những xác thịt ô nhiễm với những phân động vật, trong những công ty thịt như: Swift, Armour, và Carnation. Do đó một số nhà kiểm tra đã chú thích rằng nếu luật lệ được thi hành triệt để; có lẽ, các công kỹ nghệ thịt sẽ bị đóng cửa. (Theo Jean Snyder, “What You'd Better Know About the Meat You Eat”, Today's Health , vol. 19, Dec. 1971, pp. 38- 39.)   

 5-BỆNH  TIM  MẠCH :

      Mặc dù chất béo là chất cần thiết cho cơ thể, nhưng việc ăn uống chứa nhiều chất béo, lâu ngày, sẽ tạo ra số thặng dư chất béo, và gây nguy hiểm cho cơ thể con người. Tuy nhiên, những động vật ăn thịt có thể làm biến thể số lượng vô hạn chất béo được ăn vào, mà vẫn không bị phản ứng bất lợi cho cơ thể của chúng. Việc nầy được minh chứng qua cuộc thí nghiệm, với những con chó được ăn thêm 1/2 pound bơ béo (butterfat) trong khẩu phần ăn hàng ngày, trên hai năm liền. Sau đó, chúng được kiểm nghiệm, người ta nhận thấy mức độ chất béo cholesterol trong cơ thể vẫn không thay đổi.

     Mặt khác, ngoài số lượng chất béo cần thiết, con người và những động vật ăn thảo mộc đều có khả năng rất giới hạn, đối với số lượng thặng dư chất béo bảo hòa, và cholesterol trong cơ thể. Do đó, sau nhiều năm, số thặng dư chất béo tích lũy sẽ đóng dày (fatty plaque deposited) bên trong vách thành của các động mạch, và tạo điều kiện sinh ra bệnh Xơ Cứng Động Mạch (Arteriosclerosis).

     Hơn nữa, chất béo càng ngày đóng dày thêm, rồi làm hẹp nhỏ lại thành bên trong ống dẫn máu, và gây trở ngại cho việc máu chảy về tim. Điều kiện nầy sẽ sinh ra các chứng như: Công Tim (Heart Attack), Đột Quỵ (Stroke), và những cục máu đặc (Blood Clots) sẽ làm bế  tắc đường lưu thông máu.

     Theo American Medical Association, 1961 có từ 90% - 97% chứng tim mạch là nguyên nhân gây hơn phân nửa tử vong tại Hoa Kỳ, và chứng  tim mạch có thể được ngăn ngừa bằng việc ăn chay (”Diet and Stress in Vascular Disease”, Journal of the American Medical Association, June 3, 1961, p. 806).

     Ngoài ra, American Heart Association còn cho biết:”-Trong nghiên cứu dân số, với phương pháp định giá trên tiêu chuẩn về thực phẩm và chứng tim mạch, đã minh chứng rằng thực phẩm với độ cao chất béo bảo hòa là yếu tố gây nên các chứng tim mạch.”(”Diet & Coronary Heart Disease”,statement developed by Committee for Medical & Community Program of American Heart Association, 1973).

     Theo Viện Khoa Học Quốc Gia (The National Academy of Sciences) ghi nhận rằng hầu hết người Mỹ đều có mức độ cao về chất béo cholesterol. Đây là một yếu tố chủ yếu sinh ra các chứng tim mạch, một bệnh dịch “Epidemic” tại Hoa Kỳ (”Diet and Coronary Heart Disease” Journal of the American Medical Association, vol. 222, no.13, Dec. 25, 1972, p. 1647).

6-BỆNH  UNG  THƯ :

     Qua nghiên cứu, người ta nhận thấy nhiều bằng chứng  đường ruột con người không thích hợp trong việc tiêu hóa thịt động vật. Từ đó, hậu quả của việc ăn thịt thường đưa đến chứng ung thư ruột già (Colon Cancer). Nguyên nhân chủ yếu của chứng ung thư nầy là những món ăn thuần túy thịt, chứa nhiều chất béo cao độ, nhưng rất ít chất sơ (fiber). Chúng có tính di chuyển rất chậm trong đường ruột. Vì thế, những phế chất độc hại, do việc ăn thịt, có thời gian gây tổn thương bên trong đường ruột (Theo Michael J. Hill, M.D., “Metabolic Epidemiology of DietaryFactors inLarge BowelCancer”, Cancer Research, vol. 35, no.11. part 2 (Nov. 1975, pp. 3398 - 3402).

     Theo Dr. Sharon Fleming, Department of Nutritional Sciences at University of California, Berkeley: “-Chất sơ (fiber) trong thực phẩm giúp giảm chứng ung thư ruột già”. Hơn nữa, trong tiến trình tiêu hóa, thịt được biến thể thành những sản phẩm hữu cơ có tác dụng sinh lý(Steroid Metabolites), như chất sinh ra ung thư (Carcinogene).

     Theo Viện Khoa Học Quốc Gia (The National Academy of Sciences, in 1983): “-Người ta có thể đề phòng nhiều chứng bệnh ung thư thông thường, bằng việc ăn ít bớt những loại thịt có chất béo, và ăn nhiều hơn các loại trái cây, rau cải cùng ngũ cốc”. Ngoài ra, trong báo cáo “Causation of Cancer”, Rollo Russell đã viết :”-Tôi đã tìm thấy hai mươi lăm quốc gia ăn nhiều thịt, trong đó với mười chín (19) quốc gia có mức độ ung thư cao, và chỉ có một quốc gia có mức độ ung thư thấp; và ba mươi lăm (35) quốc gia khác ăn ít, hay không ăn thịt, trong đó không thấy quốc gia nào có mức độ ung thư cao”.

     Nói tóm lại, sau khi tìm hiểu qua những sự việc nêu trên như: -sự cấu trúc thân thể con người, -sự ảnh hưởng của việc tiêu hóa thịt, -những chất hóa học nguy hiểm trong thịt, -những bệnh chứng trong thịt, -bệnh tim mạch, và– bệnh ung thư. Chúng ta đều có thể nêu ra câu trả lời thích đáng là “-Ăn chay Tốt Hơn Ăn Thịt”./.

    -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn